Tiêu chảy ở trẻ sơ sinh là một căn bệnh thường gặp. Vì vậy, mẹ cần nắm rõ những thông tin về căn bệnh này để có thể giúp con mình phòng tránh và có những biện pháp xử lý phù hợp nếu con mình không may mắc phải.
Nguyên nhân gây ra tiêu chảy ở trẻ sơ sinh.
Nhiễm trùng đường ruột: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tiêu chảy ở trẻ sơ sinh. Bé bị nhiễm trùng đường ruột có thể do virus, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng. Trong đó, một số trẻ bị tiêu chảy do virus có thể tự khỏi, nếu bị do vi khuẩn thì phải chữa bằng thuốc kháng sinh. Những bé bị tiêu chảy do kí sinh trùng có trong sữa công thức thì cần phải ngưng uống loại sữa này ngay lập tức.
Dị ứng thức ăn: Trẻ bị dị ứng với protein, lactose có trong sữa công thức hoặc thức ăn dặm cũng là một nguyên nhân khiến bé bị tiêu chảy.
Khả năng dung nạp thức ăn của bé kém: Một số trẻ không thể dung nạp các các chất dinh dưỡng có trong thức ăn. Do vậy, các chất dinh dưỡng này không được hấp thụ vào máu mà vẫn ở trong ruột khiến bé bị tiêu chảy và thiếu chất.
Rối loạn tiêu hóa: Do hệ thống tiêu hoá của trẻ sơ sinh còn non yếu và nhạy cảm nên bất kỳ một thay đổi nhỏ nào như chuyển đột ngột từ bú sữa mẹ sang uống sữa công thức cũng có thể khiến bé bị rối loạn tiêu hóa dẫn tới tiêu chảy.
Dấu hiệu tiêu chảy ở trẻ sơ sinh.
Trẻ bị tiêu chảy sẽ đi ngoài liên tục, phân lỏng, bú ít và quấy khóc nhiều do cảm thấy khó chịu. Bên cạnh đó, cũng có thể có những dấu hiệu nguy hiểm khác kèm theo như sốt cao, nôn ói, bỏ ăn, miệng khô và không đi tiểu trong vòng 3 giờ trở lên do bị mất nước. Nếu con bạn có những dấu hiệu nguy hiểm này, bạn cần nhanh chóng đưa bé tới bác sĩ để được khám và chữa trị kịp thời.
Cách xử lý khi trẻ sơ sinh bị tiêu chảy.
Trẻ sơ sinh bị tiêu chảy thường bị mất nước nên bạn cần phải bù lượng nước này cho bé bằng cách cho bé bú nhiều hơn cũng như cần cho bé uống dung dịch ORS sau mỗi lần bé nôn ói hoặc đi ngoài. Với những trẻ trên 6 tháng tuổi, ngoài sữa mẹ bạn có thể cho bé uống thêm nước lọc, nước canh, nước cháo, nước trái cây không đường. Tất cả đều phải đảm bảo vệ sinh để tránh trường hợp làm tình trạng tiêu chảy của bé thêm tồi tệ.
Bên cạnh đó, mẹ vẫn phải cho bé ăn uống với đầy đủ chất dinh dưỡng. Đối với trẻ đã ăn dặm, mẹ nên chia khẩu phần ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày. Mẹ tuyệt đối không được cắt giảm khẩu phần ăn của bé vì điều này sẽ làm bé bị thiếu dinh dưỡng, giảm sức đề kháng khiến tình trạng tiêu chảy bị kéo dài. Mặt khác, khi bé đã hết tiêu chảy, mẹ cần cho bé ăn nhiều hơn để giúp bé mau hồi sức.
Ngoài ra, mẹ còn có thể cho bé uống kẽm dưới sự chỉ dẫn của bác sĩ để bé nhanh chóng khỏi bệnh.
Cách phòng tránh tiêu chảy ở trẻ sơ sinh.
Để phòng tránh tiêu chảy cho con, mẹ cần cho bé được bú sữa mẹ hoàn toàn trong vòng 6 tháng đầu. Khi bé được 6 tháng tuổi trở lên, bạn có thể cho bé uống thêm sữa công thức và đồ ăn dặm được chế biến an toàn, sạch sẽ, hợp vệ sinh. Đồng thời, nguồn thức ăn cho bé cần được đảm bảo có đầy đủ và cân đối giữa các nhóm chất để hệ tiêu hóa của bé luôn được khỏe mạnh và hoạt động tốt. Ngoài ra, mẹ cũng cần rửa tay sạch sẽ mỗi khi cho bé ăn và chăm sóc bé.
Song Mây