E-commerce (Electronic commerce – thương mại điện tử) là hình thái hoạt động thương mại bằng phương pháp điện tử; là việc trao đổi thông tin thương mại thông qua các phương tiện công nghệ điện tử mà nói chung là không cần phải in ra giấy trong bất cứ công đoạn nào của quá trình giao dịch. (nên còn được gọi là “thương mại không giấy tờ”)
————————————————————
Thương mại điện tử – cầu nối hiệu quả của doanh nghiệp
Theo ông Lý Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công thương), thị trường Trung Đông và châu Phi là thị trường có nhu cầu cao đối với các mặt hàng là thế mạnh của Việt Nam.
Những năm trở lại đây, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các nước Trung Đông và châu Phi có bước tiến đáng kể. Tổng kim ngạch mua bán hai chiều năm 2009 đạt trên 1,5 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2008. Đạt được kết quả như vậy, một phần là nhờ các doanh nghiệp đã tiếp cận đối tác thông qua Thương mại điện tử.
Việt Nam có quan hệ xuất nhập khẩu với 53 nước ở Trung Đông và châu Phi. Với khoảng 20 mặt hàng xuất khẩu chủ yếu như: Điện tử, cơ khí, đồ nhựa, sản phẩm gỗ, xe máy và linh kiện, phụ tùng xe máy, thuốc lá điếu, hàng rau quả, bột gia vị, bột ngọt, đồ chơi trẻ em, mỳ ăn liền, các sản phẩm sữa, dệt may, hải sản, thực phẩm chế biến… Ngược lại, hàng nhập khẩu gồm: chất dẻo nguyên liệu, khí gas, sắt thép, hoá chất…
Theo ông Lý Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công thương), thị trường Trung Đông và châu Phi là thị trường có nhu cầu cao đối với các mặt hàng là thế mạnh của Việt Nam.
Ông Lý Quốc Hùng cho biết: “Hiện nay, gạo là mặt hàng xuất khẩu số 1 của Việt Nam, tiếp đó là dệt may, các mặt hàng cơ khí nhỏ, dược phẩm, điện từ, dây cáp điện… Năm 2009, chúng ta xuất khẩu mặt hàng di động vào châu Phi và bắt đầu có chỗ đứng ở thị trường này. Ngoài ra, các mặt hàng cơ khí nhỏ rất tiềm năng do ở châu Phi rất cần các máy chế biến để phục vụ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp. Trong thời gian tới, các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam ngày càng đa dạng hơn”.
Các doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua đã thực hiện nhiều biện pháp đẩy mạnh việc xúc tiến thương mại ra thị trường khu vực, đặc biệt là thị trường Trung Đông và châu Phi. Ngoài các phương thức truyền thống như hội chợ, các văn phòng đại diện, trung tâm giới thiệu hàng hoá…, gần đây Thương mại điện tử được cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam biết đến nhiều hơn bởi tiện ích mà Thương mại điện tử mang lại. Nếu như trước các doanh nghiệp phải chi từ 7% – 10% phí giao dịch thương mại, thì bây giờ thông qua Thương mại điện tử, các doanh nghiệp mở rộng thị trường với chi phí rẻ hơn nhiều.
Vừa qua, Bộ Công Thương triển khai một số đề án xây dựng Cổng Thương mại điện tử cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, viết tắt là ECVN, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu hiệu quả hơn. Cổng thương mại điện tử ECVN tập trung vào các ngành hàng có khối lượng giao dịch thương mại lớn, phù hợp với hình thức Thương mại điện tử như: nông sản, thuỷ sản, dệt may, da giày, điên tử, thủ công mỹ nghệ, gốm sứ…
Về những tiện ích của cổng Thương mại điện tử đối với doanh nghiệp của mình, ông Nguyễn Gia Hùng, Trưởng phòng Thị trường nước ngoài, Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng SECOIN cho biết: “Nhờ có thương mại điện tử mà công việc kinh doanh của chúng tôi thuận lợi hơn, từ quy mô nhỏ đến quy mô lớn. Thương mại điện tử giúp doanh nghiệp vươn rộng hơn, xa hơn trên thị trường thế giới, đến những thị trường mà có lẽ chúng tôi không bao giờ tìm được nếu không có thương mại điện tử mà sử dụng kênh truyền thống. Hiện SECOIN đã xuất khẩu được sản phẩm của mình sang 25 nước trên thế giới, ở tất cả các châu lục”.
Bán hàng qua Thương mại điện tử, không chỉ giúp các doanh nghiệp mở rộng thị trường mà còn tăng lợi nhuận. Những sàn thương mại lớn trên thế giới như Alibaba.com, Ebay.vn hay Amazon.com cũng đẩy mạnh các hình thức quảng bá nhằm thu hút các khách hàng Việt Nam thông qua các đối tác uy tín tại thị trường này.
Tuy nhiên, trên thực tế thời gian qua xuất hiện không ít hành vi lừa đảo thông qua Thương mại điện tử rất tinh vi như: mạo danh cơ quan, Chính phủ để lấy uy tín, sử dụng website, hoặc sử dụng các giấy phép xuất nhập khẩu của nước sở tại được chỉnh sửa… nhằm trục lợi. Vì vậy, các doanh nghiệp khi tham gia xuất khẩu cần lưu ý tới các quy định nhập khẩu như: thuế nhập khẩu, giấy phép nhập khẩu, chứng từ nhập khẩu, các mặt hàng hạn chế hoặc cấm nhập khẩu và các tiêu chuẩn, kiểm nghiệm, nhãn mác, chứng nhận và phương thức thanh toán.
Ông Trần Đình Toản, Phó Tổng Giám Đốc, Công ty Cổ phần Đầu tư và công nghệ OSB cho biết: Khi tham gia giao dịch thương mại điện tử, doanh nghiệp cần lựa chọn các đối tác có uy tín. Hiện ở trang Alibaba.com có hai thành viên, thành viên tự do và thành viên xác thực. Tiêu chí đầu tiên doanh nghiệp nên chọn là thành viên xác thực để hợp tác. Các doanh nghiệp xác thực là đã được đối tác thứ ba của Alibaba.com xác thực, đó là doanh nghiệp thật, đang hoạt động thật, và tất cả các thông tin được đưa ra là thông tin thật, như lãnh đạo doanh nghiệp, tên doanh nghiệp, địa chỉ doanh nghiệp đang hoạt động…
Đến nay, Việt Nam có gần 5.000 doanh nghiệp có khả năng xuất khẩu các nguồn hàng ra thị trường thế giới, đặc biệt là thị trường Trung Đông và châu Phi. Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam cần nắm bắt thông tin và nhu cầu của các đối tác chủ động hơn nữa nhằm đáp ứng yêu cầu cao nhất của đối tác, nâng khả năng hợp tác thành công và hiệu quả của doanh nghiệp. Đồng thời tạo cơ hội xuất khẩu cho những doanh nghiệp lần đầu tiên xuất khẩu, trong đó tham gia vào Thương mại điện tử là một nhu cầu tất yếu trong xu thế hội nhập nền kinh tế quốc tế như hiện nay./.
Theo VOVNews