Xây dựng thực đơn ăn dặm cho bé không phải là chuyện đơn giản vì thực đơn này không những phải đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng cho bé mà còn phải giúp bé ăn ngon miệng. Vậy mẹ cần xây dựng thực đơn ăn dặm cho bé như thế nào? Hãy cùng đọc bài viết sau đây nhé.
Khi nào thì bé có thể ăn dặm?
Trước khi xây dựng thực đơn ăn dặm cho bé, mẹ cần phải biết khi nào thì con mình có thể ăn dặm. Thông thường, từ 6 tháng tuổi trở đi bé đã có thể ăn thêm những thức ăn khác ngoài sữa mẹ. Bởi đây là thời điểm mà bé cần nhiều năng lượng và chất dinh dưỡng để phát triển trong khi sữa mẹ không thể đáp ứng được nhu cầu này của bé. Do đó, bé cần được bổ sung chất dinh dưỡng từ các nguồn thực phẩm khác.
Tuy nhiên, tùy theo cơ địa của mỗi bé mà bạn có thể cho bé ăn dặm từ tháng thứ 4 hoặc thứ 5. Nếu thấy bé bú hết sữa mẹ nhưng vẫn quấy khóc đòi bú thêm thì bạn có thể cho bé ăn dặm ngay từ lúc này.
Những nguyên tắc khi xây dựng thực đơn ăn dặm cho bé.
Đảm bảo về mặt dinh dưỡng: Mẹ cần đảm bảo thực đơn ăn dặm cho bé phải đầy đủ và cân đối giữa các chất dinh dưỡng cần thiết như chất đạm, béo, tinh bột, vitamin, chất xơ và các khoáng chất quan trọng khác. Các chất dinh dưỡng này nên được bổ sung cho bé thông qua nhiều loại thực phẩm đa dạng khác nhau. Như vậy, bé có thể ăn được nhiều hơn mà không bị ngán.
Cho bé ăn dặm từ ít đến nhiều: Thực đơn ăn dặm lúc ban đầu không nên có lượng đồ ăn quá nhiều vì đây mới chỉ là giai đoạn làm quen, bé ăn được rất ít. Bạn chỉ nên cho bé ăn khoảng ½ bát bột/cháo nhỏ để bé được dần dần làm quen với việc ăn dặm. Kể cả nếu bé ăn ngon miệng và ăn hết số đồ ăn này trong lần đầu tiên, bạn cũng không nên cho bé ăn thêm ngay trong lần tiếp theo bởi điều này có thể khiến con bạn bị rối loạn tiêu hóa.
Cho bé ăn từ loãng đến đặc: Cháo hoặc bột cho bé ăn dặm trong giai đoạn đầu nên được chế biến loãng và tăng độ sánh, đặc qua từng tháng. Việc này sẽ giúp bé có thể ăn dặm được dễ dàng.
Gợi ý về thực đơn ăn dặm cho bé.
Thực đơn ăn dặm cho bé từ 6 đến 7 tháng tuổi: Mẹ có thể sử dụng những loại bột ăn dặm cho bé được pha sẵn của các thương hiệu nổi tiếng để tiết kiệm thời gian chế biến đồ ăn cho bé. Những loại bột này có thể là bột yến mạch, gạo sữa hay gạo trái cây. Hoặc mẹ có thể tự nấu bột cho bé với bí đỏ, cà rốt hoặc sữa để làm phong phú bữa ăn cho con mình.
Thực đơn ăn dặm cho bé từ 7 đến 11 tháng tuổi: Sau khi bé đã được làm quen với việc ăn dặm, mẹ có thể cho bé ăn bột được pha chế đặc hơn hoặc cho bé ăn cháo mềm loãng. Lúc này, mẹ nên cho bé được ăn thêm nhiều loại thực phẩm khác như cá, thịt, trứng và các loại rau xanh để bé được cung cấp nhiều chất dinh dưỡng hơn.
Thực đơn ăn dặm cho bé từ 12 tháng tuổi trở lên: Bây giờ, bé đã có thể ăn cháo đặc hay cháo nguyên hạt. Mẹ hãy tự mình nấu cháo với các loại thực phẩm đa dạng cho bé để bé được ăn ngon miệng và không bị ngán. Được ăn với những món do chính tay mẹ làm, chắc chắn sẽ giúp bé có thêm nhiều hứng thú đối với việc ăn dặm.
Hoàng My