Ngày tận thế 2012: Chỉ là đồn thổi
Các nhà khoa học thuộc Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ vừa chính thức lên tiếng xoa dịu những nỗi sợ hãi về ngày tận thế 2012 và cảnh báo về tác hại của các lời đồn về ngày tận diệt của thế giới (21/12 tới) theo lịch của người Maya cổ đại.
Theo các chuyên gia, những nỗi sợ hãi về ngày tận thế bắt nguồn từ việc hiểu sai lịch của người Maya cổ đại. Vào ngày đông chí 21/12 tới đây, một chu kỳ lịch có tên gọi b’ak’tun thứ 13 sẽ kết thúc.
Mặc dù các học giả về nền văn minh Maya thống nhất rằng, người Maya cổ xưa không coi ngày 21/12 là thời điểm tận thế nhưng những lời đồn rằng một sự cố vũ trụ có thể kết thúc sự sống trên Trái đất vào ngày hôm đó vẫn cứ lan đi rất nhanh và gây tác hại không lường. Chúng khiến nhiều người, đặc biệt là trẻ em, hoảng sợ và làm không ít thanh thiếu niên nghĩ tới việc tự tử vì lo sợ ngày diệt vong của thế giới.
Xem thêm thông tin ngay tan the 21/12/2012
Ngày đông chí (21/12) tới đây chỉ là thời điểm kết thúc chu kỳ lịch b’ak’tun thứ 13 trong lịch
của người Maya cổ đại, chứ không ám chỉ ngày tận diệt của thế giới. (Ảnh minh họa: CTV)
Trước thực tế trên, NASA quyết định vào cuộc. Cơ quan này nuôi dưỡng một trang tin năm 2012 nhằm lật tẩy các lời đồn thổi phổ biến về ngày tận thế theo lịch Maya, chẳng hạn như ý kiến cho rằng một hành tinh “bất trị” sẽ đâm vào Trái đất vào ngày đông chí, xóa sổ toàn nhân loại. Trong thực tế, các nhà thiên văn học rất giỏi trong việc phát hiện những vật thể cận kề Trái đất, và bất kỳ hành tinh lang thang nào dự kiến sẽ đâm vào Trái đất trong 3 tuần tới hiện cũng sẽ trở thành vật thể sáng nhất trên bầu trời sau Mặt trời và Mặt trăng.
“Chẳng có tí sự thật nào ở đây cả. Đây chỉ là một ý nghĩ kỳ quặc được nhân rộng”, David Morrison, một nhà sinh vật học vũ trụ thuộc Trung tâm nghiên cứu Ames của NASA, nhấn mạnh trên trang Live Science.
Không may là, viễn cảnh tưởng tượng kỳ quặc lại gây hại trong thế giới thực. Là một trong những diễn giả xuất chúng của NASA về các tưởng tượng hoang đường liên quan đến ngày tận thế 2012, ông Morrison tiết lộ đã nhận được rất nhiều thư và email từ những người dân bình thường bị hoảng sợ, chủ yếu là những người trẻ tuổi. Một số nói họ không thể ăn uống hoặc lo lắng nhiều tới mức không thể ngủ được. Một số khác lại nói họ muốn tự tử.
Các nhà khoa học NASA cũng nhận được nhiều câu hỏi thông qua mạng xã hội trong cuộc trò chuyện video trực tuyến kéo dài một giờ đồng hồ nhằm lật tẩy những lầm tưởng về ngày tận thế, từ hành tinh “bất trị” Nibiru tới nguy cơ khủng khiếp từ các cơn bùng nổ dữ dội của Mặt trời.
Trong thực tế, theo nhà vật lý thiên văn NASA Lika Guhathakurta, đúng là Mặt trời đang trong giai đoạn hoạt động tích cực nhất của chu kỳ, đồng nghĩa với năng lượng điện tử lên đỉnh điểm. Các cơn bùng nổ lớn của Mặt trời có thể ảnh hưởng tới các hệ thống điện tử và định vị trên Trái đất, nhưng những vệ tinh giám sát thiên thể này luôn đưa ra vô số cảnh báo, cho phép giới chức trách tìm được biện pháp đối phó với các cơn bão từ tăng mạnh khi nó tấn công bầu khí quyển của chúng ta. Ngoài ra, độ mạnh các cơn bão Mặt trời này cũng không hề vượt quá ngưỡng Trái đất từng chống chịu được trong quá khứ.
Các chuyên gia thiên văn học khẳng định, trong tương lai gần, không có thiên
thể nào đâm vào Trái đất, gây hủy hoại hành tinh chúng ta. (Ảnh: ItNews)
Thêm vào đó, không có bất kỳ vật thể, hành tinh cận kề Trái đất hay thứ gì tương tự như vậy đe dọa va chạm với “ngôi nhà chung” của chúng ta vào ngày 21/12, Don Yeomans, một nhà khoa học phụ trách việc theo dõi các vật thể cận kề Trái đất tại phòng thí nghiệm JPL của NASA, nói. Cuộc tiếp cận sát gần duy nhất được dự báo sẽ xảy ra vào ngày 13/2/1013, khi một tiểu hành tinh sẽ di chuyển ngang qua Trái đất trong phạm vi gấp 4,5 lần bán kính hành tinh chúng ta (bán kính Trái đất là 6.378km). Ông Yeomans quả quyết, tiểu hành tinh này sẽ không đâm vào Trái đất.
Những lời đồn thổi khác, chẳng hạn như từ trường Trái đất sẽ đột ngột đảo ngược hoặc hành tinh của chúng ta sẽ du hành gần 30.000 năm áng sáng và bị hút vào một lỗ đen ở trung tâm Dải ngân hà, cũng bị bác bỏ. (Một năm áng sáng là khoảng cách ánh sáng di chuyển được trong một năm, tương đương khoảng 10 ngàn tỷ km).
Một lời đồn phổ biến về việc Trái đất sẽ trải qua một quá trình “tắt lịm” hoàn toàn từ ngày 23-25/12 cũng bị coi là vô căn cứ.
Rốt cuộc, những lo ngại về số phận của Trái đất tốt hơn nên tập trung và các vấn đề đang gây tác hại chậm như biến đổi khí hậu, thay vì hướng tới thảm họa vũ trụ nào đó, Andrew Fraknoi, một nhà thiên văn học thuộc trường Cao đẳng Foothill ở California, nhận định.
Quan điểm này nhận được sự tán đồng của nhà vật lý thiên văn NASA Mitzi Adams: “Hiểm họa lớn nhất đối với Trái đất trong năm 2012, vào cuối năm nay và cả trong tương lai, chỉ bắt nguồn từ chính loài người”.