Hai hình thức lễ hội và du lịch biển luôn thu hút đông khách đến với du lịch Huế. Du lịch biển ở Thừa Thiên-Huế đang có điều kiện phát triển, nhất là biển Lăng Cô và Thuận An; có thời điểm mùa hè khách đặt kín chỗ. Lăng Cô hiện có 6 khu du lịch tổng hợp, 40 khách sạn, nhà nghỉ hoạt động với khoảng 850 phòng cùng hàng chục nhà hàng ăn uống phục vụ du khách.
Từ khi Lăng Cô được công nhận là Vịnh đẹp thế giới, lượng khách du lịch tăng bình quân hàng năm 25%, doanh thu tăng bình quân 12%. Bãi biển Thuận An cách thành phố Huế chừng 12km cũng là địa điểm du lịch hấp dẫn ở Huế cho du khách. Ở đây đang được địa phương đầu tư 300 triệu đồng để nâng cấp hạ tầng, hoàn chỉnh hệ thống các đường dẫn vào bãi biển, lập bảng chỉ dẫn cụ thể giúp du khách dễ dàng tìm ra điểm cần đến.
Ngoài thành công thu hút khách du lịch qua việc tổ chức các “Tuần lễ vàng du lịch,” từ nay đến cuối năm, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế thực hiện tuần lễ kích cầu vào tháng 12 (22-30/12), đồng thời sự kiến đón khách du lịch thứ 2,5 triệu và 3 triệu.
Trong tuần lễ kích cầu, khách được hưởng các ưu đãi, khuyến mãi như miễn phí dịch vụ xe điện chuyên chở khách từ Đại Nội đến tham quan bảo tàng; kết hợp giảm 50% giá vé xem biểu diễn Nhã nhạc cung đình Huế (tại Nhà hát Duyệt Thị Đường). Với đoàn từ 15 khách trở lên, các đoàn còn được miễn phí thuyết minh tại Đại Nội.
Trong hai tháng còn lại của năm 2013, ngành du lịch Thừa Thiên-Huế tập trung các giải pháp phát triển nhằm phấn đấu đạt từ 2,5-3 triệu lượt khách (khách lưu trú 1,85 triệu lượt). Tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch theo tiêu chuẩn quốc tế và tăng tỷ lệ khách du lịch nước ngoài đến Huế, đặc biệt là thị trường có mức chi tiêu cao; xây dựng tuyến tour du lịch nội địa, tăng cường xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù; nghiên cứu, khai thác và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch mới; đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến mạnh mẽ các sản phẩm du lịch chiến lược gồm du lịch văn hóa, lễ hội, du lịch tâm linh, du lịch biển và đầm phá, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch ẩm thực.
Tỉnh đẩy mạnh liên kết với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung xây dựng và khai thác một số sản phẩm và công ty lữ hành nhằm thu hút khách quốc tế trên tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây, nhất là khách Thái Lan, Lào đến Huế bằng đường bộ./.