Đông Ba nằm dọc theo bờ bắc sông Hương, bên đường Trần Hưng Đạo, tuyến đường huyết mạch của TP Huế. Chợ Đông Ba ở Huế không chỉ là trung tâm buôn bán mà còn là hồn Cố đô, bởi nó còn lưu giữ những nét đẹp khó trộn lẫn…
Trước khi có chợ Ðông Ba, bên ngoài cửa Chánh Ðông (tức cửa Ðông Ba theo cách gọi dân gian) dưới thời Gia Long có một chợ lớn mang tên “Quy Giả thị” (Chợ cho những người trở về). Tên chợ đánh dấu sự kiện trở lại Phú Xuân của quan quân nhà Nguyễn. Theo nhiều sử sách còn ghi chép thì năm 1885, kinh đô thất thủ, chợ Quy Giả bị đốt sạch. Đến năm 1887, vua Đồng khánh cho xây dựng lại và đổi tên thành chợ Đông Ba.
Ðến năm 1899, trong công cuộc chỉnh trang đô thị theo phong cách phương Tây, vua Thành Thái chuyển chợ Ðông Ba ra địa điểm ngày nay, đình chợ cũ trở thành trường Pháp Việt Ðông Ba.
Chợ Ðông Ba thời Thành Thái gồm có 4 dãy quán: trước, sau, phải, trái. Mặt trước một dãy 8 gian, mặt sau một dãy 12 gian, dãy phía tay phải 13 gian… đều lợp ngói; giữa chợ có một toà lầu vuông, ba tầng, tầng dưới có 4 bức tường, mỗi tường có 2 cửa, tầng trên 4 mặt đều có cửa, đều có mặt đồng hồ để điểm giờ khắc. Chợ là địa điểm tham quan được nhiều cty du lịch thường xuyên khai thác trong những chuyến tham quan tìm hiểu về cố đô.
Trong chợ xây một giếng đá, có hệ thống máy giúp cho việc múc nước. Khi cần lấy nước thì dùng tay quay máy, tự nhiên nước trong giếng sẽ tràn lên, phun ra. Ðầu thế kỷ XX, chợ Ðông Ba được tu sửa nhiều lần nhưng vẫn giữ cốt cách cũ. Ðến năm 1967, chính quyền Sài Gòn cho triệt hạ chợ cũ và xây lại chợ mới. Công trình đang dang dở thì bị bom Mỹ trong chiến dịch Huế Xuân 1968 bắn phá tan tành.
Sau đó, chính quyền Sài Gòn cho sửa chữa tạm để buôn bán. Ðến năm 1987, chợ Ðông Ba được đại trùng tu. Ngoài lầu chuông ở trung tâm, chợ Ðông Ba mới có 9 dãy nhà bao quanh cùng 4 khu hàng mới, như chợ cá, khu hàng tự sản, tự tiêu, khu hàng dịch vụ… với tổng diện tích mặt bằng xây dựng gần 15,6 nghìn m2. Đi du lịch Huế đừng quên ghé thăm nơi này bởi Chợ Đông Ba ngày nay, tuy hình thái buôn bán hoạt động phù hợp với đời sống hiện đại, nhưng hồn xưa dấu cũ vẫn không nhạt phai…